Tin tức

Sâm núi Dành, báu vật của vùng đất Bắc Giang

Sâm núi Dành có nguồn gốc từ hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Người Việt vẫn có câu: sâm, nhung, quế, phụ là những vị thuốc quý. Trong danh mục thuốc quý, sâm luôn đứng đầu và sâm núi Dành nổi tiếng bởi dược tính của nó.

Sâm núi Dành hay còn gọi là cát sâm có tên Khoa học: Callerya speciosa (Champ. ex Benth.) Schot. Tên tiếng Việt: Cát sâm; sâm nam; sâm trâu, sâm núi Dành… Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp, một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid, hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc. Trà hoa sâm Nam núi Dành có công dụng mát gan, tiêu độc, giải nhiệt, tiêu hóa, an thần chữa mất ngủ. Ngoài ra, hoa sâm còn được sử dụng làm thang trong các bài thuốc đông y. Chất Saponin trong củ sâm Nam núi Dành có tác dụng cung cấp hoạt chất bồi bổ cơ thể như axit amin, khoáng chất, dầu thơm…giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngừa lão hóa, chống oxy hóa, chữa ho, long đờm, hạ nhiệt giảm sốt, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất, chống viêm, kháng khuẩn, ức chế vi rút và một số tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.

Tính đến hết năm 2022, tổng diện tích sâm toàn huyện Tân Yên đạt 71,5 ha (riêng năm 2022 diện tích trồng mới là 47,5 ha), tập trung tại các xã Liên Chung và Việt Lập.

Năm 2022, sản phẩm củ sâm đã được thu (từ 3-5 năm tuổi) khoảng 3,7 tấn, giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/kg; hoa sâm khô đạt 5,5 tấn, giá bán từ 0,8-1 triệu đồng/kg; hiệu quả kinh tế đạt hơn 6 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất.

Các sản phẩm được chế biến từ sâm núi Dành bao gồm: Rượu sâm từ củ và hoa, trà hoa sâm, tinh chất sâm thượng hạng Star SaViNa, trà sâm dạng hòa tan, dầu gội thảo mộc sâm, trà sâm Tây Yên Tử, thuốc viên sáng mắt sâm Nam núi Dành, nước uống tăng lực sâm Nam núi Dành,…

Tại huyện đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ sâm Nam giữa nông dân với DN, HTX trong và ngoài tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung cho biết, sâm trồng sau gần 1 năm bắt đầu ra hoa. Vụ hoa sâm Nam kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Cây trồng đạt 4 tuổi trở lên sẽ cho năng suất tương đương 40 kg khô/sào. Chỉ tính tiền bán hoa sâm, người trồng thu về hàng trăm triệu đồng/ha/năm (tùy chất lượng sản phẩm).

Hoa sâm Nam núi Dành hiện trở thành đặc sản được chế biến thành sản phẩm Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành – thức uống thanh nhiệt, bổ mát rất có giá trị. Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Bắc Giang năm 2022.

Xây dựng thương hiệu sâm núi Dành

Trong chuyến thăm và làm việc với huyện Tân Yên mới đây, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu, các cấp, các ngành vào cuộc hỗ trợ tích cực, tạo mối liên kết “4 nhà”. Trong đó cần ứng dụng triệt để tiến bộ khoa học vào quy trình sản xuất. Bởi muốn có sản phẩm cao cấp phải có khoa học công nghệ dẫn đường.

Sở Khoa học và Công nghệ sớm nghiên cứu, công bố các dược tính của sâm. Phân tích dược tính các loại sâm trên địa bàn để biết ưu điểm của từng loại. Đồng thời nâng cao công nghệ sản xuất giống, chế biến và xây dựng thành công thương hiệu cho sâm núi Dành.

Ông Lê Ánh Dương cho rằng, giống có vai trò hết sức quan trọng nên ngành nông nghiệp cần đi sâu, xây dựng quy trình nhân giống, chăm sóc, chế biến, đặc biệt là khâu quản lý giống, không để bị thoái hóa, lẫn tạp. Bởi khi chủ động được nguồn giống thì mới làm chủ được sản xuất.

Người dân huyện Tân Yên thu hoạch hoa sâm núi Dành

Huyện Tân Yên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, đưa ra quy trình sản xuất chung theo hướng hữu cơ một cách chặt chẽ; nghiên cứu phát triển thuốc bảo vệ thực vật riêng cho cây sâm. Ngoài ra, địa phương cần tận dụng các sản phẩm phụ như thân, lá phục vụ chăn nuôi, mở ra triển vọng phát triển ngoài hoa và củ sâm.

Huyện cần quan tâm thực hiện quy hoạch vùng trồng, phát triển thành vùng nguyên liệu đủ lớn, phục vụ chế biến sâu, không để phát triển tự phát, dẫn đến dư thừa, sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ giống, vốn cho người dân, HTX mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu.

Sở Công Thương xây dựng chiến lược quảng bá cho sâm núi Dành. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kêu gọi các doanh nghiệp chủ động liên kết sản xuất với các HTX, hộ dân; tìm tòi và sáng tạo đa dạng sản phẩm, gắn với phát triển sản phẩm du lịch nhằm thêm giá trị gia tăng cho người trồng sâm và vùng đất Tân Yên. Từng bước đưa sản phẩm sâm núi Dành vào trong cuộc sống hằng ngày của người dân, trước hết là người dân Tân Yên, sau đó lan tỏa ra các tỉnh và ngoài nước.